Sinh viên khoa CNTT tham gia tọa đàm và triển lãm phát triển nguồn nhân lực ngành CNTT

Sáng ngày 30/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm và Triển lãm "Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp". Buổi tọa đàm diễn ra tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Km 10, Đường Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông, Hà Nội.

Đại diện khoa CNTT trường ĐH Xây Dựng có sự tham gia của TS. Trần Khánh Dung, phó trưởng khoa CNTT, trưởng BM Công nghệ phần mềm; ThS. Bùi Thanh Phong trưởng BM Kỹ thuật hệ thống & mạng máy tínhcùng 30 sinh viên chuyên ngành K60, đây là những sinh viên có thành tích học tập tốt nhất, chuẩn bị bước vào giai đoạn thực tập và làm đồ án tốt nghiệp.

Tọa đàm là nơi chia sẻ thông tin, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là diễn đàn để kết nối các bên liên quan: cơ quan hoạch định chính sách, cơ sở đào tạo cung ứng nguồn nhân lực; các doanh nghiệp, hiệp hội ICT, tổ chức, doanh nghiệp nhân lực ICT và học sinh, sinh viên.

Theo tính toán, mức độ tăng trưởng doanh nghiệp CNTT, nhu cầu việc làm rất lớn, năm 2020 cần 100.000 cử nhân CNTT, điều quan trọng hơn là chất lượng. Theo khảo sát trong số 50.000 cử nhân CNTT ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại.

Hiện nay mỗi năm khoa CNTT trường Đại học xây dựng tuyển sinh 150 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin. Sau khi tốt nghiệp các sinh viên sẽ tham gia xây dựng, triển khai các hệ thống phần mềm tại các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, tài chính, viễn thông…nhiều cựu sinh viên đang nắm giữ những vị trí quan trọng tại các tập đoàn lớn như FPT, Samsung, Viettel.

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Đi từ thực tế, thị trường, cung - cầu, lợi ích, các nhà trường thiết kế chương trình đào tạo học suốt đời, thay đổi phương thức đào tạo giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, thực tập "nhúng mình" vào các doanh nghiệp công nghệ thông tin, như trường y với bệnh viên. Đây là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy, quản trị đại học. quản trị theo mục tiêu.

Sinh viên trong quá trình học tập gắn sâu vào thực tế, hình thành nên những trung tâm đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp, sinh viên CNTT ra trường không chỉ có việc làm mà còn khởi nghiệp tạo việc làm. Nhiều ý tưởng sáng tạo đổi mới từ CNTT nhanh, phương thức đào tạo cũng nhanh. Đào tạo, đổi mới, khởi nghiệp nằm trong chuỗi, cùng nhau trên tinh thần cùng có lợi, hỗ trợ, trách nhiệm vì thế hệ trẻ".

Song song với Tọa đàm, Triển lãm cùng tên với sự tham gia của 15 trường đại học và 10 doanh nghiệp ICT lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC hay Samsung… diễn ra trong cả ngày 30/3/2019. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu với các trường đại học, với học sinh, sinh viên về công nghệ, sản phẩm, tiềm năng và nhu cầu tuyển dụng, các cơ hội việc làm, cơ hội thực tập, những yêu cầu cụ thể đối với sinh viên khi tốt nghiệp các ngành ICT.

Hiện nay khoa tuyển sinh và đào tạo 2 chuyên ngành công nghệ thông tin chính là: Công nghệ phần mềm; Kỹ thuật hệ thống và Mạng máy tính. Trong năm tuyển sinh 2019 khoa sẽ tuyển sinh mới ngành Khoa học máy tính. Từ đó, giúp các bạn sinh viên có thêm cơ hội học tập, nghiên cứu phù hợp với xu thế phát triển và nhu cầu nhân lực trong tương lai.

Tin tức nổi bật